Bình Liêu không chỉ nổi tiếng về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với những ngọn núi trùng điệp, những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh, hay không khí trong lành thanh khiết…, mà còn làm mê đắm biết bao khách du lịch bởi nét văn hóa ẩm thực độc đáo, một trong số đó có thể kể đến món xôi ngũ sắc.
Xôi ngũ sắc từ lâu đã được biết đến là đặc sản ẩm thực của vùng Bình Liêu. Vào mỗi dịp lễ Tết, hội hè, đồng bào dân tộc vùng Bình Liêu - Quảng Ninh thường làm mâm xôi ngũ sắc, vừa để cúng tổ tiên, vừa để đãi khách. Gọi là xôi ngũ sắc thì xôi thường có 5 màu: trắng, đỏ, xanh, tím, vàng.
Những ai đã được tận mắt nhìn thấy vẻ đẹp của mâm xôi ngũ sắc, ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt và được nếm miếng xôi dẻo quánh, béo ngậy do chính tay người Tày, người Dao, Người Sán Chỉ nơi đây làm, chắc hẳn sẽ không thể quên được món ăn vừa đẹp mắt lại vừa ngon miệng này.
Điều thú vị là 5 màu sắc tạo thành một tổng thể, tượng trưng cho âm dương ngũ hành, cho tình đoàn kết của các dân tộc anh em. Nhưng, mỗi màu sắc cũng có thể đứng độc lập, mang ý nghĩa riêng gắn với từng dân tộc.
Người Tày, người Dao, người Sán chỉ đã định cư ở vùng đất Bình Liêu từ lâu đời. Họ có bản sắc văn hóa độc đáo, đặc biệt là văn hóa ẩm thực. Món xôi ngũ sắc là đặc sản hội tụ những giá trị truyền thống và hiện đại, mang ý nghĩa triết lý âm dương và nhân sinh cao đẹp.
Để làm món xôi ngũ sắc, việc đầu tiên là phải chọn gạo. Gạo để đồ xôi nhất định phải là gạo nếp mới, ngon nhất. Loại gạo nếp đặc sản vừa thơm, vừa dẻo, được trồng ở những mảnh rộng màu mỡ nhất của bản. Nước đồ xôi phải là nước suối nguồn thì xôi mới thơm ngon.
Ngoài màu trắng là màu tự nhiên của gạo, những màu xanh, đỏ, tím, vàng đều được làm từ củ, lá cây rừng. Công đoạn tạo màu cho xôi rất quan trọng và cũng rất cầu kỳ. Các loại lá rừng dùng để nhuộm màu được lựa chọn kỹ lưỡng, lá không được quá non hay quá già. Sau đó rửa sạch nấu với nước lấy từ suối nguồn.
Khi đã có nước màu, gạo nếp được cho vào ngâm khoảng 10 tiếng rồi vớt ra để ráo nước. Màu đỏ thì dùng lá cây có tên gọi là cơm xôi đỏ hay vào mùa gấc chín có thể lấy gấc làm màu xôi đỏ.
Làm món xôi đen, có thể dùng gạo nếp có hạt gạo màu đen giống như nếp cẩm nhưng hạt tròn, to hơn, song người ta dùng lá cây gừng mọc ở rừng hoặc ven khe suối đốt lấy tro ngâm nước rồi gạn lấy nước trong để ngâm gạo.
Làm món xôi vàng chỉ cần lấy củ nghệ già, giã nhỏ pha với nước ngâm gạo rồi đồ xôi là được. Cuối cùng, lá gừng là nguyên liệu để tạo màu xanh cho xôi. Chỉ cần lấy một nắm lá gừng tươi, giã nhỏ vắt lấy nước cốt, khi đồ gần chín xôi, họ cho nước cốt lá gừng vào trộn đều. Khi xôi chín có màu xanh lá cây, thơm mùi gừng, mùi nếp rất ngon.
Mỗi màu có một ý nghĩa riêng. Màu đỏ là màu tượng trưng cho khát vọng, màu tím tượng trưng cho trời đất trù phú, màu vàng tượng trưng cho sự no đủ, màu xanh tượng trưng cho núi rừng Bình Liêu, màu trắng tượng trưng cho tình yêu trong trắng và sự thủy chung. Ngoài ra, mỗi gam màu của xôi thể hiện sống động màu sắc trên chính trang phục của những thiếu nữ thiếu nữ dân tộc nơi đây.
Những ai có dịp thưởng thức món xôi này đều có chung cảm nhận và ấn tượng khó quên không chỉ bởi cái dẻo thơm từ hạt nếp mới mà còn bị lôi cuốn bởi sự hòa quyện màu sắc của nó. Đây cũng là điều đặc biệt so với món xôi của các vùng, miền khác, một sự sáng tạo của phụ nữ dân tộc Bình Liêu nói riêng và những dân tộc vùng Đông Bắc Quảng Ninh nói chung.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét